Tổng Giám Đốc Chợ Tốt và chiến lược "mưa dầm thấm lâu"
Chọn Việt Nam làm điểm đến trong chiến lược phát triển của Tập đoàn 701Search, Bryan Teo biết quyết định ấy đồng nghĩa với việc phải dấn thân. Chức danh Phó chủ tịch Tập đoàn của ông vì vậy được “đính kèm” chức vụ Tổng giám đốc của Chợ Tốt. Đem một cái “chợ” mới toanh đến kinh doanh tại một quốc gia cũng mới toanh với mình, chiến lược của Bryan Teo đơn giản chỉ là “mưa dầm thấm lâu”.
Có hơn 20 năm kinh nghiệm ở mảng kinh doanh trực tuyến và công nghệ thông tin, Bryan từng là Giám đốc Điều hành Công ty RealTime Gaming Asia và Phó giám đốc Công ty ST Electronics. Ông từng đảm nhiệm việc xây dựng và quản lý hệ thống kinh doanh trực tuyến quan trọng như hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến và hệ thống casino trực tuyến.
Với Bryan, sự non trẻ của thị trường kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam đầy hấp dẫn. Kết quả của hơn 3 năm theo dõi các báo cáo và thời gian “thực địa” tại Việt Nam là Chợ Tốt, một trang “lạc xoong” đúng nghĩa để người dùng thanh lý đồ cũ cũng được mà bán đồ mới cũng tốt. Sau 2 năm, tiệm lạc xoong ảo này đã có hơn 800.000 lượt truy cập mỗi ngày và hơn 10 triệu người truy cập/tháng.
Cái giá của “second hand”
* Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã có 10 năm phát triển, sàn giao dịch tại Việt Nam cũng chẳng thiếu. Tại sao đến thời điểm này, 701Search mới quyết định đến Việt Nam?
– Không có cái gọi là khoảnh khắc, kiểu như trái táo của Newton để thiên tài ấy phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn, trong chuyện đầu tư vào Việt Nam của 701Search, mặc dù ở vị trí phó chủ tịch đảm nhiệm mảng phát triển kinh doanh tôi cũng rất thích các khoảnh khắc bất ngờ như thế.
Chúng tôi bỏ khá nhiều thời gian lẫn công sức tìm hiểu về Việt Nam để thấy rằng, trước 701Search, các sàn giao dịch chủ yếu hoạt động theo mô hình B2C (Business to Customer), là không gian để doanh nghiệp đến với khách hàng. 701Search đi theo mô hình C2C (Customer to Customer), nghĩa là người tiêu dùng sẽ mua bán trực tiếp các dịch vụ, sản phẩm với nhau.
Thời điểm chúng tôi vào Việt Nam, năm 2012, thị trường khi đó cũng có một vài trang đi theo mô hình này nhưng chưa thu hút được nhiều người sử dụng. Do vậy, chúng tôi tin mình có thể xây dựng một chợ rao vặt trực tuyến hiệu quả hơn cho người Việt Nam. Tôi nghĩ, điểm xuất phát không quan trọng bằng cách “đua” như thế nào.
* Được biết, tại Singapore, các nhà đầu tư lớn từ Nhật, Trung Quốc, Mỹ đang đầu tư mạnh vào TMĐT và thiên về mô hình B2C. Trong dòng chảy này, có vẻ như 701Search đang đi ngược hướng?
– Trước khi vào thị trường Việt Nam, 701Search đã có mặt nhiều năm tại các nước Đông Nam Á khác như Philippines, Malaysia và Indonesia. Một trong những công ty mẹ của Chợ Tốt, Tập đoàn Truyền thông Quốc tế Schibsted ASA, hiện đang xây dựng một trong những mạng lưới rao vặt trực tuyến lớn nhất thế giới.
Tôi tin rằng mô hình C2C có rất nhiều tiềm năng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Riêng ở Việt Nam hiện tại có khoảng 40 triệu người sử dụng internet, và con số này vẫn tiếp tục tăng, tất cả đều có tiềm năng mua bán theo mô hình C2C.
Một lợi thế khác chính là việc ngày càng nhiều người sử dụng các thiết bị di động thông minh như máy tính bảng, điện thoại thông minh, cho phép họ có thể mua bán mọi lúc, mọi nơi. Tất cả các yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho tiềm năng TMĐT nói chung và mô hình C2C nói riêng bùng nổ trong thời gian tới.
* Rất nhiều chuyên gia trong ngành đã đánh giá tốt về tiềm năng TMĐT Việt Nam giống như ông, nhưng đến nay tiềm năng dường như vẫn còn “tiềm ẩn”…
– Ghi nhận từ thị trường cho thấy, có nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư vào sàn giao dịch điện tử, như VNG, Vingroup chẳng hạn. Một thị trường sôi động và cạnh tranh chứng tỏ TMĐT đang bùng nổ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều công ty tham gia đầu tư sẽ giúp xây dựng nền tảng mua bán trực tuyến lớn mạnh hơn, và từng bước tạo niềm tin cho người dùng nhanh chóng hơn.
Có khá nhiều lý do dẫn đến việc TMĐT Việt Nam phát triển ì ạch thời gian trước. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng. Từ phương thức thanh toán trực tuyến, mạng lưới nhà cung cấp đến hậu cần… để phát triển TMĐT thời gian trước đều chưa sẵn sàng.
Hiện tại, cơ sở hạ tầng đã có bước khởi sắc với vốn đầu tư từ nhiều công ty lớn, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Vấn đề tiếp theo là xây dựng lòng tin nơi người dùng do phần đông trong số họ vẫn còn nghi ngại về chất lượng sản phẩm, hình thức thanh toán và uy tín của nhà cung cấp.
* Liệu có ổn không khi Chợ Tốt hướng đến là một tiệm “lạc xoong” để người dùng kinh doanh đủ các món hàng đã qua sử dụng?
– Đồ cũ thì đã sao? Chẳng lẽ đồ cũ thì không có giá trị sử dụng? Chuyện ghi được từ hơn 40 website rao vặt ở 35 quốc gia mà chúng tôi đang phát triển cho thấy, nhu cầu thanh lý đồ đã qua sử dụng đã và đang tạo thành một thị trường hấp dẫn với mọi người, cả những quốc gia phát triển và chưa phát triển.
Nguyên nhân là vì việc thanh lý đồ đã qua sử dụng có lợi cho cả người mua lẫn người bán. Tiết kiệm được một khoản tiền là việc nhỏ, tận dụng được tối đa độ hữu dụng của hàng hóa cũng là một cách bảo vệ môi trường. Ở các quốc gia rất phát triển, việc mua và thanh lý đồ cũ đang được ưa chuộng.
Như ở Na Uy chẳng hạn, quốc gia có GDP đứng thứ 5 thế giới, lượng người tham gia thanh lý đồ cũ cực cao. Với các nước trong khu vực thì việc “săn” hàng giá rẻ, hàng đã qua sử dụng đang là xu hướng. Vấn đề là làm thế nào để tìm được người bán hàng có uy tín để đảm bảo chất lượng hàng hóa.
* Nhưng làm thế nào để người dùng biết được điều đó trong thế giới vẫn còn được xem là “ảo”?
– Chẳng có quảng bá nào có thể làm cho người dùng tin nếu bản thân website đó hoạt động không minh bạch. Chợ Tốt hướng tới trở thành một điểm đến tin cậy cho người tiêu dùng Việt Nam, nơi họ có thể mua bán đa dạng các loại sản phẩm, dịch vụ một cách dễ dàng, tiện lợi…, thì chúng tôi phải đơn giản hóa quá trình đăng tin bán sản phẩm, dịch vụ, đồng thời không ngừng cải tiến giao diện, phát triển các tính năng của trang web để giúp người dùng mua bán hiệu quả hơn.
Để tăng sự an toàn cho người sử dụng, chúng tôi có một đội ngũ hơn 100 nhân viên duyệt các tin trước khi chính thức phổ biến trên Chợ Tốt nhằm đảm bảo tính xác thực, hợp lệ… của tin đăng. Hiện tại, chúng tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà đề cao nhiệm vụ tạo dựng uy tín với cộng đồng. Tôi nghĩ, cứ làm tốt từng bước thì dần dà người dùng sẽ đến với mình.
Về phía người dùng, chúng tôi luôn lưu ý họ hai “quy tắc vàng” trong việc mua bán trực tuyến. Thứ nhất, người mua và người bán gặp gỡ để giao dịch tại nơi đông người và nên có bạn bè đi cùng. Thứ hai, về phía người mua, cần kiểm tra món đồ cẩn thận trước khi thanh toán.
Văn hóa “Trái cây”
Tự nhận mình là “Tèo Singapore”, Bryan Teo biết họ của mình dễ gây cười cho người Việt nên Việt hóa cái họ ấy một cách hài hước. Và không chỉ cái tên, Bryan đang Việt hóa đời sống của mình mỗi ngày bằng tô bún bò Huế buổi sáng, đi chợ mua trái cây hay thói quen nêm nước mắm vào món ăn cho đậm đà… Mỗi bận về lại quê hương, trong hành trang của Bryan thường có thêm 5 ổ bánh mì Như Lan.
* Là doanh nhân trong thế giới phẳng, việc di chuyển đối với ông có vẻ như không là rào cản?
– Tôi vẫn còn nhớ lần đầu chuyển đến làm việc lâu dài tại Philippines. Đó là một ngày tháng 7 năm 2005. Tôi đến thủ đô Manila với vỏn vẹn hai chiếc vali. Trong vòng 3 tháng, tôi đã lập văn phòng 701Search tại đây với 40 nhân viên và văn phòng vận hành 24/7. Đây là nhiệm vụ lớn đầu tiên tôi được giao phó và đã hoàn thành, kết quả này đã trở thành động lực khích lệ tôi rất nhiều trong những dự án sau đó.
Hai mươi năm gắn bó với nghề, tôi nghiệm ra rằng, để thành công trong một thị trường mới, điều quan trọng nhất là tôi phải kết hợp hài hòa giữa tư duy của một người Singapore (nghĩa là chú trọng vào năng suất, hiệu quả) với sự thẳng thắn trong công việc; cùng với đó là sự hiểu biết về văn hóa, cách làm việc, nhu cầu tiêu dùng của thị trường bản địa.
* Sự non trẻ của thị trường Việt Nam có khiến ông lo lắng?
– Việt Nam là điểm dừng chân lâu dài thứ ba của tôi. Thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng so với các nước đã phát triển, và tôi rất lạc quan về tương lai của kinh tế nói chung, TMĐT nói riêng tại đây.
Chúng tôi hiểu người tiêu dùng Việt Nam vẫn nghi ngại khi tham gia mua bán, rao vặt trực tuyến, nên tôi xem đây là một thử thách thú vị để nhắc mình phải luôn nỗ lực tiếp cận người tiêu dùng, giúp họ hiểu rằng mua bán, rao vặt trực tuyến vẫn có thể minh bạch và hiệu quả.
* Ba lần khởi tạo doanh nghiệp ở ba thị trường khác nhau, “chìa khóa” để ông có được đội ngũ nhân lực bản địa tốt là gì?
– Tại Chợ Tốt, chúng tôi xây dựng văn hóa “Fruit” (Trái cây). F là viết tắt của Family, R là Result-Oriented, U là User-Focus, và IT là Innovative. Chúng tôi hướng đến xây dựng một đội ngũ trong đó mọi người xem nhau như người trong một gia đình, các thành viên có thể chia sẻ ý tưởng và cùng nhau sáng tạo để xây dựng những tính năng sản phẩm hữu ích cho người tiêu dùng.
Tôi và các thành viên trong gia đình Chợ Tốt rất hòa đồng. Chúng tôi thường có những buổi ăn trưa cùng nhau để trao đổi về các ý tưởng trong công việc cũng như chia sẻ về cuộc sống.
Đây là điều khiến tôi rất tự hào, và tôi tin tại Việt Nam, Chợ Tốt là một trong những công ty đầu tiên xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo kiểu các công ty ở Silicon Valley. Văn hóa “Fruit” mà chúng tôi cùng nhau xây dựng giúp tạo điều kiện cho các thành viên có thể sáng tạo, tự tin chia sẻ quan điểm và phát huy tiềm năng của mình một cách toàn diện.
* Có “gia đình” hạnh phúc như thế ở Việt Nam rồi thì gia đình ở Singapore của ông thế nào?
– Vợ và các con tôi luôn ủng hộ công việc kinh doanh của tôi, nên bù lại, tôi phải có trách nhiệm sắp xếp để dung hòa mối quan hệ giữa gia đình và công việc. Tôi vẫn luôn tranh thủ về nhà mỗi cuối tuần để gần gũi vợ con. Tiếc là dù tôi yêu Việt Nam và khá hài lòng với cuộc sống tại đây nhưng gia đình tôi thì vẫn muốn sống ở Singapore nên tôi chưa thể nghĩ đến chuyện định cư lâu dài ở Việt Nam.
* Gây xôn xao nhất ở Singapore và Việt Nam thời gian này là câu chuyện một du khách Việt Nam bị lừa khi mua iPhone 6 ở Singapore. Ý kiến của ông về câu chuyện này?
– Tôi mới nghe qua sự tình. Dù Singapore được mệnh danh là “thiên đường mua sắm an toàn” thì vẫn không thể tránh khỏi có sự “trầy xước” nào đó bởi ở đâu cũng tồn tại cả tốt lẫn xấu, cũng có “con sâu làm rầu nồi canh”.
Vừa rồi tôi có biết được thông tin là ban quản trị khu mua sắm Sim Lim đang đề xuất các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn cùng các hình thức phạt nặng để hạn chế tình trạng kinh doanh lừa đảo. Tôi nghĩ, đó là điều Sim Lim nên làm để bảo đảm quyền lợi cho người mua lẫn người bán.
Còn cái kết của câu chuyện, tôi nghĩ là người dân Singapore lẫn du khách ấy đã ứng xử khá tuyệt vời!
* Cảm ơn ông về những trao đổi này!
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn